...

Trang Pháp Âm HT Tuyên Hóa


Trang Pháp Âm - Khai Thị - Giảng Kinh của HT Tuyên Hóa , Nhấn vào đây để vào trang chủ

Monday, 31 August 2009

Bức thư gởi thầy

Bức thư gởi thầy

Điều mà con mong mỏi nhất chính là được quy y Tam bảo. Và được một lần diện kiến ân sư Chân Tính, người khai thị khai tâm và gieo hạt giống Bồ Đề vào cái tâm thức cạn cợt u mê của con, cho thỏa lòng tôn kính!


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính Bạch: Thầy Chân Tính

Con vốn không hiểu Phật Pháp, cũng chưa theo bất kì một tôn giáo nào.

Tình cờ một lần, con được nghe giọng nói đều đều ấm áp phát ra từ một chiếc đĩa có tên “Vô Tình Nói Pháp” tự nhiên con cảm thấy có một sự an lạc dung dị dễ chịu đến bất ngờ! Thể như trong cái giọng nói ấy đã có sẵn một thứ thuốc an thần nào vậy!

Lạ thật! Con tự hỏi không biết điều gì đã làm cho Thầy Chân Tính có được sự uyên bác thâm sâu và khả năng thuyết giáo mầu nhiệm đến như vậy!

Quá tò mò! Con đến chùa Hoằng Pháp để…tìm Thầy nhưng không gặp được. Lại vô tình…phát hiện ra…một kho đĩa!

Thật thú vị! Thì ra bấy lâu nay con chỉ để tầm nhìn quẩn quanh trong công việc trong những quyển sách, những đĩa nhạc những chuyện phim…mà không hề hay biết còn có một loại đĩa lạ lùng như thế này!

Thế rồi…chảy nước mắt với cái đĩa “Bóng Mây” của Đại Đức Thiện Thuận, cười lăn cười bò với cái đĩa “Người Điêu Khắc Tượng” của Thầy Chân Tính, hết sức bất ngờ với cái đĩa “Thuốc Hay”…Con bắt đầu nhận ra một niềm vui mới, một thế giới mà ở đó con được nghe những điều chưa từng nghe, được biết những điều chưa từng biết. Cảm giác mọi ngóc ngách tâm hồn đều được…giải phẩu, được ban ân. Con vui sướng vô cùng!

Điều mà con mong mỏi nhất chính là được quy y Tam bảo. Và được một lần diện kiến ân sư Chân Tính, người khai thị khai tâm và gieo hạt giống Bồ Đề vào cái tâm thức cạn cợt u mê của con, cho thỏa lòng tôn kính!

Thế mà…Sáng hôm ấy…chủ nhật ngày 28 tháng 06 mới đây, nghe có tu niệm Phật một ngày, con hớn hở đón xe đến chùa Hoằng Pháp dù bản thân con không phải là Phật tử. Vì nhà xa nên khi đến nơi đã gần 8 giờ!
Từ ngoài cổng chùa, con đã nghe thấy giọng nói ấm áp thân quen thoát ra từ mấy chiếc loa trên cao. Ôi, Thầy Chân Tính đây mà! Con xúc động muốn rơi nước mắt, chân sải bước thật nhanh…nhưng muộn mất rồi! Không thể vào giảng đường chính được…

Bài thuyết pháp “Quán Sát Âm Thanh” thật hay, thật sống động vui tươi, kết thúc trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Con lao nhanh về phía văn phòng ( vì sợ Thầy… biến mất! ) hồi hộp nhìn vào bên trong…chẳng thấy Thầy đâu, chỉ thấy…một nhóm người đứng vây quanh một chiếc bàn, nơi có treo bức tranh Thích Ca Mâu Ni, con liền…vòng ra cửa sau…A, Thầy đây rồi! Con mừng quá chấp hai tay lên xá chào mà quên rằng mình vẫn còn đứng…bên hông ngạch cửa. Lúc ấy có một bà cụ mặc áo lam đi ngang bảo “ Con phải đến trước mặt Thầy đảnh lễ thì Thầy mới thấy con mà đáp lễ được ”.

Nhanh như một cái máy, con vòng ra cửa trước rồi bỗng dưng… ngập ngừng nơi ngạch cửa…chẳng dám vào. Không hiểu sao lúc ấy chân con cứ ríu lại, tim đập…loạn xạ, run rẩy như đứa trẻ nhỏ lần đầu tiên bước chân vào cửa lớp mẫu giáo! Vừa thích thú vừa sợ sệt lo âu…Chẳng biết khi đối diện với Thầy rồi mình sẽ phải đi đứng nói năng và ứng xử như thế nào cho phải phép. Thế là con lại…vòng ra cửa sau tiếp tục…run! Đang lúc căng thẳng ấy, tự nhiên Thầy từ cửa sau…bước ra nhìn về phía con…mỉm cười! Nụ cười hoan hỷ khoan dung…Cảm giác như ở trong mơ! Con vui sướng đến nỗi chỉ biết…giương mắt nhìn mà…quên cả việc đảnh lễ! Lòng băn khoăn tự hỏi có thật là Thầy Chân Tính đã cười với mình không? Con tò mò…nhìn quanh xem…ngoài mình ra còn có ai nữa…cho đến khi Thầy…đi khuất! Lúc ấy con mới…giật mình vì biết mình…vô phép!

Sự việc đã trôi qua. Có thể Thầy Chân Tính là một bậc chơn tu nên không hề dính mắc gì về cái sự vô ý vô phép ấy của con, nhưng với con đó là cả một niềm day rứt khôn nguôi. Và chỉ khi Thầy đọc được những dòng chữ này thì tâm con mới yên ổn được. Cúi xin Thầy tha thứ cho sự vụng về trong ứng xử xủa con!

Sau cùng con kính chúc Thầy có đầy đủ sức khỏe và luôn giữ được tâm lành để dẫn dắt chúng con

Nguyên văn bức thư




No comments:

Post a Comment