...

Trang Pháp Âm HT Tuyên Hóa


Trang Pháp Âm - Khai Thị - Giảng Kinh của HT Tuyên Hóa , Nhấn vào đây để vào trang chủ

Wednesday 28 April 2010

Đi trong bùn dơ



Xem hình

Đức Phật từng nói: “Có hai hạng người được khen ngợi, đó là người không phạm lỗi lầm và người đã phạm lỗi lầm mà biết ăn năn sám hối” ...
            Có một người đi chơi với bộ trang phục rất đẹp, chẳng may giữa đường gặp trời mưa to.  Sau cơn mưa đường xá lầy lội, người kia sợ lấm, hết sức cẩn thận đi tránh xa những nơi bùn dơ nước đọng.  Không ngờ trong một lúc vô ý, người kia xẩy chân bước vào vũng bùn.  Thấy chân đã bị lấm, người kia không còn ngần ngại nữa, tự nhủ thầm:  “Dẫu sao chân ta cũng đã lấm bùn, vậy còn phải tránh bùn làm chi nữa”.  Thế là người đó cứ giẫm bừa vào bùn mà đi mặc cho quần áo, chân tay vấy đầy bùn dơ nước bẩn.  Những người đi đường thấy thế hỏi:
- Sao anh không tìm chỗ sạch mà đi, lại đi bừa vào chỗ dơ như thế?
Người kia đáp:
- Chân tôi đã lấm bùn rồi, có lấm thêm nữa cũng không sao.
Nghe anh ta nói vậy, ai cũng lắc đầu cười chê.  Có người bảo:
-Chân bẩn ít không muốn, lại muốn bẩn nhiều.  Sao không tìm nước mà rửa chân cho sạch?
Người kia nghe nói chợt tỉnh ra. 

Hạnh phúc ở đâu?

Con người hay tìm kiếm hạnh phúc khắp mọi nơi, nhìn thấy hạnh phúc nơi người khác, nhưng không bao giờ nhìn thấy hạnh phúc ở chính bản thân mình...
            Một ngày nọ, đám yêu tinh họp nhau lại để tìm cách phá hoại cuộc sống của loài người.  Yêu tinh đầu đàn lên tiếng: Với loài người, hạnh phúc là thứ quý giá nhất.  Vậy chúng ta hãy đánh cắp thứ quý giá nhất của họ và dấu ở một nơi mà họ không thể tìm thấy được.  Các người thấy sao?

Một yêu tinh khác lên tiếng: Hãy đem hạnh phúc dấu trên đỉnh núi cao nhất trên trái đất này, chắc con người sẽ không thể tìm ra. 

Yêu tinh đầu đàn lắc đầu: Rồi một ngày họ cũng sẽ tìm cách chinh phục đỉnh núi cao nhất ấy.  Vậy hãy dấu hạnh phúc dưới đáy đại dương sâu thẳm.

Một yêu tinh khác nói: Rồi một ngày họ cũng thám hiểm đến đáy đại dương sâu thẳm nhờ những phương tiện hiện đại, yêu tinh đầu đàn lại lắc đầu. 

Mang dấu ở một hành tinh khác vậy, một tiểu yêu tinh đề nghị.  Con người đang tìm cách khám phá vũ trụ và các hành tinh khác, yêu tinh đầu đàn ngao ngán. 

Có một sự thật:  Con người hay tìm kiếm hạnh phúc khắp mọi nơi, nhìn thấy hạnh phúc nơi người khác, nhưng không bao giờ nhìn thấy hạnh phúc ở chính bản thân mình.  Vậy ta hãy dấu hạnh phúc trong mỗi con người, chắc chắn họ sẽ không thể nào tìm thấy được…, một nữ yêu tinh chậm rãi nói. 

Cả đám yêu tinh reo lên sung sướng và quyết định làm theo lời đề nghị trên.

Liệu hạnh phúc của con người có bị đám yêu tinh kia dấu mất không?  Câu trả lời tùy thuộc vào chính bản thân chúng ta trong quá trình tìm kiếm hạnh phúc cho chính mính…

                                                (Vân Anh dịch theo Chocolate for a Teen’s Dreams)

BÀI HỌC ĐẠO LÝ:

            Không biết đám yêu tinh trong câu chuyện trên có ra tay hành động hay không, nhưng sự thật thì đa phần loài người hiện đang cuống cuồng chạy đi tìm hạnh phúc ở bên ngoài.  Tích cóp tài sản, sắm sửa tiện nghi, tạo dựng danh phận… cho đến tham vọng sắp xếp lại trật tự thế giới hay chinh phục vũ trụ thì con người đã và đang làm được, nhưng xem ra hạnh phúc vẫn xa vời.
            Không ai phủ nhận những giá trị của danh vọng cùng vật chất như tài sản, nhà cửa và các phương tiện sống khác, nhưng thực chất chúng chỉ góp phần tạo nên sự thoải mái, thỏa mãn tạm thời cho con người mà thôi, chứ không phải là căn bản của hạnh phúc.  Nên đi tìm hạnh phúc bên ngoài chỉ là hành trình vô vọng, là trò chơi cút bắt với hạnh phúc thấp thoáng chợt ẩn chợt hiện suốt cả một đời người.
            Nếu hạnh phúc không có ở bên ngoài mà ẩn tàng chính ngay trong mỗi người, vậy thì vì sao chúng ta lại khổ đau?  Vấn đề cũng như kẻ cùng tử có viên Minh Châu trong chéo áo mà không tự biết nên phải mang thân phận nghèo hèn (kinh Pháp Hoa). 
Trở về với nội tâm an tịnh trong sáng, sống thật với chính mình bằng tâm ban sơ chưa vẩn đục là cách mở cánh cửa hạnh phúc bên trong.  Đến khi nào chúng ta ngộ ra điều hết sức đơn giản rằng “Trong nhà sẵn ngọc thôi tìm kiếm” (Trần Nhân Tông) thì lúc ấy chúng ta sẽ không còn rong ruổi nữa vì hạnh phúc đã đủ đầy.
            Cái khổ cũng như sự thiếu vắng hạnh phúc của con người là do tâm bất an, xao động. Tâm an thì mọi sự đều an.  Do vậy, điều phục tâm để từng bước đoạn trừ tham lam, sân hận và si mê đồng thời hướng tâm đến sự thanh tịnh hoàn toàn, tuệ giác bung vỡ thì hạnh phúc chân thật tự hiển lộ.

                                                                                                Bạch Vân

Friday 23 April 2010

Dòng Tâm an bình

Sự thất bại lớn nhất của chúng ta ngày nay là ta đã bị nô lệ và bận rộn bởi công việc, mà ta không biết mặt mũi của công việc ấy là gì và nó sẽ đưa ta đi về đâu. Trong đời sống, ta chưa bao giờ có được sự nhàn nhã thực sự cho thân và tâm của chúng ta.




 Người xưa nói “nhàn cư vi bất thiện”, nghĩa là sống nhàn nhã thì không tốt. Và cũng vì vậy mà có nhiều người gá vào câu nói ấy để bảo rằng “lao động là vinh quang”.

Sống nhàn nhã mà không tốt là vì thân ta nhàn nhã mà tâm ta bận rộn. Thân ta nhàn mà tâm ta không nhàn thì không thể gọi là người sống an nhàn được.

Cũng vậy, ta lao động như một kẻ nô lệ áo cơm, nô lệ tiền bạc, nô lệ sắc dục, nô lệ địa vị và quyền lực hay là nô lệ cho một cái tôi, thì làm sao mà gọi là vinh quang được. Ta chỉ có vinh quang khi ta lao động mà tâm ta và đời sống của ta không hề bị nô lệ bởi những cái đó.

Tự thân của cuộc sống là một dòng chảy. Chảy là động. Không có sự hoạt động nào mà không chảy. Đừng nghĩ rằng, ta chết là dòng sống trong ta ngừng chảy, mọi hoạt động trong ta chấm dứt. Ta chết dòng sống trong ta vẫn tiếp tục chảy, nhưng nó chảy dưới một dạng khác, khiến cho những con mắt bình thường không thể nào nhìn thấy được dòng chảy ấy của ta. Ta chết mọi hoạt động trong ta không hề chấm dứt, nó đang hoạt động dưới một dạng khác tinh vi và bén nhạy hơn. Nên, thực sự ta không bao giờ chết. Chết đối với ta chỉ là những nhân duyên ly hợp giả định giữa động và tĩnh mà thôi. Chết là từ nơi thế giới động của thân, ta đi vào thế giới tĩnh của tâm và sống là từ nơi thế giới tĩnh của tâm, ta biểu hiện thành thế giới động của thân.

Ở trong một thế giới động, ta sống với những manh động của tâm ý, sẽ làm cho sự sống của ta càng ngày càng trở nên cạn kiệt, hao gầy, vẩn đục và mù quáng. Ở trong một thế giới động, ta sống với tâm ý yên tĩnh sẽ làm cho sự sống của ta càng lúc càng trở nên phong phú, thẳm sâu và trong sáng. Ở trong một thế giới tĩnh mà tâm ta vọng động, thì đó chỉ là những vọng động của tự tâm. Những vọng động ấy chỉ là hư huyễn, mộng ảo, như trăng dưới nước, như hoa đốm giữa hư không. Nếu ta chạy theo những vọng động ấy của tâm, thì những vui buồn, được mất trong đời sống của ta chỉ là những ảo giác. Và nếu ta sống ở trong một thế giới tĩnh và tâm ta cũng tĩnh như thế giới ấy, và từ nơi sự an tĩnh ấy mà khởi động để sinh phát đại nguyện từ bi, làm lợi ích cho muôn loài, thì động ấy là động của tĩnh. Động ấy là động rất cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta, vì động ấy của ta đang có mặt ở trong tĩnh và chính động ấy là tĩnh.

Tĩnh thì tự thân của các vọng niệm lắng yên. Tâm ta tĩnh, thì sự và lý nơi tự thân của mọi sự vật tự minh triệt, nên ta không cần tìm mà vẫn thấy, không mong cầu mà vẫn tự đủ, không đi mà vẫn tự đến, không ước nguyện mà mọi việc đều thành. Tất cả những mầu nhiệm ấy, chính từ nơi tâm yên lắng của mỗi chúng ta mà thành tựu vậy.
Muốn thành tựu sự mầu nhiệm ấy, trước hết ta phải biết dừng lại những gì không cần thiết cho đời sống của ta. Ta không đổ thêm những gì cáu bẩn vào trong dòng chảy của tâm thức ta và ta phải biết làm cho những cáu bẩn ở trong tâm ta lắng xuống. Mỗi khi những cáu bẩn ở trong tâm thức ta lắng xuống là tâm ta có an. Một sự bình an đích thực sẽ có mặt ở trong tâm ta, và bấy giờ ta sẽ có một đời sống nhàn tịnh.

Ta nhàn tịnh ngay ở trong mọi động tác đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng làm việc và tiếp xúc với mọi đối tượng trong đời sống hàng ngày của ta. Ta tiếp xúc mà tâm ta không khởi

lên những cảm nhận có nội dung của những thèm khát và chấp thủ hay vọng động. Tiếp xúc với mọi vật mà tâm ta vẫn có sự an tịnh và tự do đối với chúng, ấy là sự tiếp xúc hết sức cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta hiện nay.

Vậy, ta phải biết tiếp xúc và làm cho dòng tâm của ta an bình, trước khi ta an bình thiên hạ.■

THÍCH THÁI HÒA

Monday 19 April 2010

Một câu chuyện cảm động về mẹ con con bò

Chuyện kể từ người Thầy " Sáng nay tôi đi từ Đồng Nai lên thành phố, chỗ gần ngã 3 dầu dây, có một chuyện rất là cảm động . Một con bò con đang ăn ở ven đường, đột nhiên nó chạy ra gần giữa đường, một chiếc xe tải chạy đến và chiếc xe tải cán đã cán phải con bò con. Không phải là cán qua luôn, các bạn biết con bò bị cán 2 cái chân, chân trước bị gãy làm đôi và chân sau cũng bị gãy như vậy.Miệng con bò thì bị cán méo, nó nằm nó rên la, đột nhiên con bò mẹ ở trong chạy ra, nó chảy nước mắt, nó đứng yên tại chỗ, nó chặn ngang đường làm cho xe không đi được, người đi đường phần lớn với ánh mắt hờ hững, kéo con bò con ra ngoài bên đường, con bò mẹ chạy theo, chỉ biết đứng nhìn con của nó một cách vô vọng, với 2 dòng nước mắt chảy ròng..."

Saturday 17 April 2010

Nghịch lý thời đại chúng ta đang sống

Điều nghịch lý của thời đại ngày nay là chúng ta có những tòa building cao hơn nhưng sự kiên nhẫn của mình lại ngắn hơn; ta có những đại lộ rộng lớn hơn, nhưng cái nhìn của mình lại chật hẹp hơn. Chúng ta tiêu xài nhiều hơn, nhưng có được ít hơn, mua sắm thêm hơn, nhưng thưởng thức lại kém hơn. Ta có căn nhà to rộng hơn, nhưng gia đình lại trở nên nhỏ bé hơn; có nhiều tiện nghi hơn nhưng thời giờ ít ỏi hơn. Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn nhưng hiểu biết lại giảm đi; ta dư thừa kiến thức, nhưng lại thiếu sự suy xét; ta có thêm nhiều nhà chuyên gia và cũng có thêm chừng đó những vấn đề trục trặc; có thêm thuốc men nhưng sự lành mạnh lại càng sụt giảm.




Thời đại ngày nay chúng ta uống rượu và hút thuốc quá nhiều, tiêu pha không tiếc nuối, thiếu vắng tiếng cười, lái xe quá nhanh, nóng giận rất dễ, thức rất khuya, đọc sách rất ít, xem ti vi quá nhiều, và hiếm khi nào ta biết ngồi lại trong tĩnh lặng! Tài sản của ta tăng lên gấp bội phần, nhưng giá trị chúng cũng sụt giảm theo. Chúng ta nói quá nhiều, thương yêu quá ít, và lòng thù ghét là thứ dễ thấy thường ngày.
Chúng ta biết cách kiếm sống, nhưng không mấy ai biết sống. Một đời người được kéo dài hơn, nhưng chỉ là cộng thêm những năm tháng số học mà thôi. Chúng ta thừa sức lên đến mặt trăng và trở về lại trái đất, nhưng rất khó bước qua bên kia đường để chào người hàng xóm mới của mình. Ta chinh phục được thế giới bên ngoài, nhưng không biết gì về thế giới bên trong. Chúng ta đã tuyên bố làm được rất nhiều những việc lớn lao, nhưng rất ít việc tốt lành.
Chúng ta tìm cách làm cho không khí chung quanh được trong sạch hơn, trong khi tâm hồn ta ngày càng thêm ô nhiễm. Chúng ta chia cắt được một hạt nguyên tử, nhưng chưa phá nổi thành kiến của chính mình. Chúng ta viết nhiều hơn, nhưng đọc và học được ít hơn. Chúng ta có nhiều dự án hơn, nhưng hoàn tất lại kém hơn và ít hơn. Chúng ta biết cách làm việc thật nhanh chóng, nhưng không biết cách để đợi chờ.
Chúng ta thiết kế nhiều máy điện toán, chứa thật nhiều dữ kiện, in ra bao nhiêu tài liệu, nhưng sự giao tiếp giữa người với người lại càng sút kém đi. Ngày nay là thời đại của mì ăn liền, tiêu hóa chậm, con người mong được to xác hơn, nhưng chí khí ngày càng nhỏ đi. Lợi nhuận thì rất sâu, mà tình người thì rất cạn.
Đây là thời đại của hai mái đầu thương yêu nhưng trăm ngàn ly dị, nhà cửa khang trang nhưng đổ vỡ trong gia đình. Đây là thời đại của những mặt hàng trưng bày ngoài cửa tiệm thì rất nhiều, nhưng trong nhà kho lại không có một đồ vật nào. Đây là thời đại mà kỹ thuật có thể mang lá thư này đến thẳng với bạn, và bạn cũng hoàn toàn có tự do để chọn đọc nó hay xóa bỏ đi...
Nhưng xin bạn hãy nhớ bỏ thì giờ của mình ra với những người thân thương, vì họ sẽ không có mặt với ta mãi mãi. Hãy nhớ chọn những lời dễ thương để nói với những ai đang ngước nhìn bạn trong ngưỡng phục, vì cô hay cậu bé đó rồi cũng sẽ lớn lên và rời xa ta. Hãy siết chặt âu yếm người bên cạnh, vì đó là một món quà vô giá mà ta có thể ban tặng cho người khác, khi nó được xuất phát từ đáy tim mình. Hãy nhớ nắm tay nhau và trân quý phút giây này, vì biết rằng thời gian sẽ không ở với ta mãi mãi. Hãy có thì giờ để thương yêu nhau, để lắng nghe nhau, và nhất là hãy chia sẻ với nhau những ý tưởng đẹp nhất trong tâm mình.
Và nhất là bạn hãy luôn nhớ rằng, cuộc sống không phải được đo lường bằng con số hơi thở của mình, mà bằng những giây phút kỳ diệu trong cuộc đời đã mang hơi thở ấy bay cao.
NGUYỄN DUY NHIÊN phỏng dịch

Friday 16 April 2010

Thượng tọa Thích Chân Tính hỗ trợ người mù tỉnh Sóc Trăng

Con người sinh ra, lớn lên ai cũng mang trong mình một hoài bão được sống, được cống hiến cho xã hội và quan trọng hơn là cảm nhận được những hạnh phúc mà cuộc đời ban tặng. Vậy cuộc sống là gì? Hạnh phúc là gì…? Có nhiều cách để định nghĩa cuộc sống. Tùy theo ý nghĩ của mỗi người mà có cách định nghĩa khác nhau. Có người cho cuộc sống phải là cái gì đó thật hoàn mỹ, thật tốt đẹp, thật hạnh phúc. Có người lại định nghĩa cuộc sống là cái gì đó gian khổ, là tang thương là thất vọng,.... ai đúng ai sai không có một định mức cụ thể.


Thursday 1 April 2010

Sanh Tử Như: Ngủ, Thức – Nhưng Vẫn Niệm A Di Ðà



Từ vô lượng kiếp đến nay, chúng ta sanh ra rồi tử, tử rồi lại sanh, giống như con người thức rồi lại ngủ, ngủ rồi lại thức. Tối đến đi ngủ thì giống như người chết. Ðến sáng thức dậy, giống như người mới sanh ra. Chẳng qua chuyện sanh tử nầy thì ngắn ngủi, còn cuộc đời thọ mạng của chúng ta, so ra thì dài hơn một chút.
Song, sanh tử thì cũng giống như chuyện ngủ, thức mà thôi. Vì sao? Bởi chúng ta có lúc hồ đồ mê muội, có lúc minh bạch sáng suốt. Minh bạch tức là sanh, hồ đồ tức là tử. Cho nên, nếu chúng ta có một niệm sáng suốt, và với niệm đó là mình đang sống; hễ có một niệm mê muội, với niệm đó là mình như đã chết. Ðó là thời gian ngắn ngủi tạm bợ của cuộc sanh tử. Bất luận thời gian sanh tử dù ngắn thì cũng vậy, dài cũng vậy, cũng đều là luân chuyển trong vòng sanh tử luân hồi, nổi trôi chìm hụp chẳng yên. Có lúc chúng ta được sanh vào nhà giàu sang phú quý, có lúc lại sanh vào nhà nghèo hèn bần tiện. Có lúc chúng ta sanh làm trâu, làm ngựa, làm súc sanh, có lúc làm ngạ quỷ, hoặc xuống địa ngục. Ðây đều là những kiếp luân hồi, nổi trôi bất định trong biển khổ sanh tử, vì sự sanh tử tuần hoàn nầy không chấm dứt, không khi nào hết được.
Ðức Phật Thích Ca vì quá tội nghiệp chúng sanh, cho nên Ngài chờ không nổi nữa mà “bất vấn tự thuyết,” không ai hỏi mà Ngài tự nói ra Pháp Môn Tịnh Ðộ nầy. Pháp Môn Tịnh Ðộ là pháp môn phương tiện rất dễ dụng công. Ðường đi rất ngay thẳng, chỉ cần chúng ta niệm Nam Mô A Di Ðà Phật với lòng tin, lòng phát nguyện và tâm thực hành là đủ rồi.
Cho nên tín, nguyện, hành là ba món tư lương, là ba thứ lộ phí cần thiết để chúng ta vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. 
Thứ nhất, chúng ta phải tin Ðức Phật A Di Ðà, tin Thế Giới Cực Lạc, tin pháp môn niệm Phật có thể đưa chúng ta đến cõi Cực Lạc để diện kiến đức Phật A Di Ðà. Chúng ta phải có lòng tin. Chớ nên nói: Tôi chưa thấy điều đó, mà cũng không có chứng cớ gì nên tôi không thể nào tin được. Chúng ta chỉ cần có lòng tin, còn ngoài ra không cần gì khác cả. Kế đến là sự phát nguyện gặp đức Phật A Di Ðà, nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, nguyện tu pháp môn niệm Phật. Sau khi đã phát nguyện, chúng ta phải y chiếu theo pháp môn Tịnh độ, niệm Phật mà tu hành. Chúng ta phải lão thật niệm Phật, tức là phải niệm Phật một cách thật thà. Niệm thật nhiều rồi, chúng ta mới có thể trở thành một khối, nhất tâm bất loạn và đạt được Niệm Phật Tam Muội. Như thế chúng ta nhất định sẽ được sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc. Thế giới Ta Bà là cõi muôn cảnh khổ nung nấu vây quanh, đầy dẫy vạn điều dữ ác, cùng những mưu tính hãm hại lẫn nhau, không có lúc nào bình an. Ở cõi Tây Phương Cực Lạc thì chẳng hề xảy ra những chuyện phiền não hay có vấn đề gì. Bởi vậy chúng ta phải mong cầu được sanh về cõi Cực Lạc, được diện kiến đức Phật A Di Ðà, được hóa sanh từ liên hoa và đạt được quả vị bất thoái chuyển. Bất thoái chuyển là: vị bất thoái, niệm bất thoái và hành bất thoái. Vị bất thoái là chứng được quả vị không thoái đọa. Niệm bất thoái chuyển là tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, thời khắc nào tâm cũng không thoái chuyển. Hành bất thoái tức tu hành theo pháp môn nầy mình cũng không thoái chuyển.
Khi quý vị chứng đắc được tam bất thối nầy, tương lai nhất định sẽ thành Phật. Một khi chúng ta có được ba món tư lương: tín, nguyện, hành rồi, thời rất dễ cho ta đi trên con đường diện kiến đức Phật A Di Ðà ở cõi Cực Lạc, bởi vì đó là nguyện lực của đức Phật A Di Ðà. Trong mười phương thế giới, nếu có chúng sanh nào thành tâm niệm danh hiệu Nam Mô A Di Ðà Phật, thời người đó lúc lâm chung sẽ được đức Phật A Di Ðà đến tiếp dẫn về cõi Phật.
Khi niệm Phật cũng như là mình đánh điện tín đến Thế Giới Cực Lạc vậy. Chúng ta niệm Phật một câu là đánh một cái điện tín, niệm Phật hai câu là đánh hai cái điện tín. Mỗi ngày chúng ta đều đánh điện đến đức Phật A Di Ðà, đức Phật A Di Ðà ở cõi Cực Lạc cũng có ra-đa, cũng có máy nhận điện tín. Vậy máy ra-đa, máy nhận điện tín là cái gì? Thì là ao sen thất bảo đó. Quý vị niệm Phật một câu, hoa sen lớn lên một chút. Nếu quý vị niệm niệm đều là A Di Ðà Phật, như vậy hoa sen sẽ to lớn dần như bánh xe. Chờ đến lúc quý vị sanh về cõi Cực Lạc, nhất linh Phật tánh của quý vị và nhất linh chân tánh của quý vị sẽ đến hoa sen nầy mà hóa sanh. Khi hoa sen nở, Phật tánh của quý vị cũng sẽ xuất hiện. Cho nên nói:
Nguyện sanh Tây Phương Tịnh độ trung,
Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,
Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,
Bất thoái Bồ Tát vi bạn lữ.
Chúng ta mong muốn sẽ được hoa sen thượng phẩm thượng sanh làm cha mẹ. Khi hoa sen nở là chúng ta thấy được đức Phật A Di Ðà và ngộ nhập được vô sanh pháp nhẫn. Lúc bấy giờ chúng ta chứng được bất sanh bất diệt, thoát khỏi sanh tử, được cùng làm bạn với chư vị Bồ Tát bất thoái. Khi chúng ta đến Thế Giới Cực Lạc, bằng hữu và quyến thuộc của chúng ta đều là bạn với các vị Ðại Bồ Tát. Cho nên chúng ta ngày ngày cùng nhau giảng kinh thuyết pháp, đều cùng hướng về
phía trước mà tiến tới.
Giảng ngày 17 tháng 12 năm 1985