Sự thất bại lớn nhất của chúng ta ngày nay là ta đã bị nô lệ và bận rộn bởi công việc, mà ta không biết mặt mũi của công việc ấy là gì và nó sẽ đưa ta đi về đâu. Trong đời sống, ta chưa bao giờ có được sự nhàn nhã thực sự cho thân và tâm của chúng ta.
Người xưa nói “nhàn cư vi bất thiện”, nghĩa là sống nhàn nhã thì không tốt. Và cũng vì vậy mà có nhiều người gá vào câu nói ấy để bảo rằng “lao động là vinh quang”.
Sống nhàn nhã mà không tốt là vì thân ta nhàn nhã mà tâm ta bận rộn. Thân ta nhàn mà tâm ta không nhàn thì không thể gọi là người sống an nhàn được.
Cũng vậy, ta lao động như một kẻ nô lệ áo cơm, nô lệ tiền bạc, nô lệ sắc dục, nô lệ địa vị và quyền lực hay là nô lệ cho một cái tôi, thì làm sao mà gọi là vinh quang được. Ta chỉ có vinh quang khi ta lao động mà tâm ta và đời sống của ta không hề bị nô lệ bởi những cái đó.
Tự thân của cuộc sống là một dòng chảy. Chảy là động. Không có sự hoạt động nào mà không chảy. Đừng nghĩ rằng, ta chết là dòng sống trong ta ngừng chảy, mọi hoạt động trong ta chấm dứt. Ta chết dòng sống trong ta vẫn tiếp tục chảy, nhưng nó chảy dưới một dạng khác, khiến cho những con mắt bình thường không thể nào nhìn thấy được dòng chảy ấy của ta. Ta chết mọi hoạt động trong ta không hề chấm dứt, nó đang hoạt động dưới một dạng khác tinh vi và bén nhạy hơn. Nên, thực sự ta không bao giờ chết. Chết đối với ta chỉ là những nhân duyên ly hợp giả định giữa động và tĩnh mà thôi. Chết là từ nơi thế giới động của thân, ta đi vào thế giới tĩnh của tâm và sống là từ nơi thế giới tĩnh của tâm, ta biểu hiện thành thế giới động của thân.
Ở trong một thế giới động, ta sống với những manh động của tâm ý, sẽ làm cho sự sống của ta càng ngày càng trở nên cạn kiệt, hao gầy, vẩn đục và mù quáng. Ở trong một thế giới động, ta sống với tâm ý yên tĩnh sẽ làm cho sự sống của ta càng lúc càng trở nên phong phú, thẳm sâu và trong sáng. Ở trong một thế giới tĩnh mà tâm ta vọng động, thì đó chỉ là những vọng động của tự tâm. Những vọng động ấy chỉ là hư huyễn, mộng ảo, như trăng dưới nước, như hoa đốm giữa hư không. Nếu ta chạy theo những vọng động ấy của tâm, thì những vui buồn, được mất trong đời sống của ta chỉ là những ảo giác. Và nếu ta sống ở trong một thế giới tĩnh và tâm ta cũng tĩnh như thế giới ấy, và từ nơi sự an tĩnh ấy mà khởi động để sinh phát đại nguyện từ bi, làm lợi ích cho muôn loài, thì động ấy là động của tĩnh. Động ấy là động rất cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta, vì động ấy của ta đang có mặt ở trong tĩnh và chính động ấy là tĩnh.
Tĩnh thì tự thân của các vọng niệm lắng yên. Tâm ta tĩnh, thì sự và lý nơi tự thân của mọi sự vật tự minh triệt, nên ta không cần tìm mà vẫn thấy, không mong cầu mà vẫn tự đủ, không đi mà vẫn tự đến, không ước nguyện mà mọi việc đều thành. Tất cả những mầu nhiệm ấy, chính từ nơi tâm yên lắng của mỗi chúng ta mà thành tựu vậy.
Muốn thành tựu sự mầu nhiệm ấy, trước hết ta phải biết dừng lại những gì không cần thiết cho đời sống của ta. Ta không đổ thêm những gì cáu bẩn vào trong dòng chảy của tâm thức ta và ta phải biết làm cho những cáu bẩn ở trong tâm ta lắng xuống. Mỗi khi những cáu bẩn ở trong tâm thức ta lắng xuống là tâm ta có an. Một sự bình an đích thực sẽ có mặt ở trong tâm ta, và bấy giờ ta sẽ có một đời sống nhàn tịnh.
Ta nhàn tịnh ngay ở trong mọi động tác đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng làm việc và tiếp xúc với mọi đối tượng trong đời sống hàng ngày của ta. Ta tiếp xúc mà tâm ta không khởi
lên những cảm nhận có nội dung của những thèm khát và chấp thủ hay vọng động. Tiếp xúc với mọi vật mà tâm ta vẫn có sự an tịnh và tự do đối với chúng, ấy là sự tiếp xúc hết sức cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta hiện nay.
Vậy, ta phải biết tiếp xúc và làm cho dòng tâm của ta an bình, trước khi ta an bình thiên hạ.■
THÍCH THÁI HÒA
No comments:
Post a Comment