...

Trang Pháp Âm HT Tuyên Hóa


Trang Pháp Âm - Khai Thị - Giảng Kinh của HT Tuyên Hóa , Nhấn vào đây để vào trang chủ

Tuesday, 27 July 2010

MỘT BÀI THƠ TUYỆT VỜI




*** บท กลอนของเอดเยี่ยมจาก UN ***

Nominated by UN as the best Poem of 2006
Written by an African Kid

When I born, I black
When I grow up, I black :
When I go in Sun, I black
When I scared, I black
When I sick, I black
And when I die, I still black

And you white fellow
When you born, you pink
When you grow up, you white
When you go in sun, you red
When you cold, you blue
When you scared, you yellow
When you sick, you green
And when you die, you grey
And you calling me colored??
__________


Bài thơ được tổ chức UN bình chọn là bài thơ hay nhất năm 2006. Bài thơ được viết bởi một đứa bé Châu Phi


Khi tôi sinh ra, tôi màu đen

Khi tôi lớn lên, tôi màu đen

Khi tôi đi dưới mặt trời, tôi màu đen

Khi tôi sợ, tôi màu đen

Khi tôi đau, tôi màu đen

Và khi tôi chết, tôi cũng màu đen

.

Anh nói rằng anh trắng

Khi anh sinh ra, anh màu hồng

Khi anh lớn lên, anh màu trắng

Khi anh đi dưới mặt trời, anh màu đỏ

Khi anh lạnh, anh màu xanh

Khi anh sợ, anh màu vàng

Khi anh đau, anh màu tái (lục)

Và khi anh chết, anh màu xám

Và tại sao anh lại nói tôi là da màu

Nguon : http://thuannghia.vnweblogs.com 

Monday, 26 July 2010

TÌNH THƯƠNG SẼ KHÔNG CÒN - KHI NGƯỜI TA CẦN NGON MIỆNG

Tình thương là cây linh dược trị lành mọi bệnh khổ của chúng sanh. Vậy mà, con người nỡ đang tay bẻ cành chặt nhánh khiến nó sắp lụi tàn. Cũng may! Nó còn sót lại vài cành già và đang nẩy ít chồi non. Mong rằng nhân loại nhận thức được giá trị tuyệt vời của nó, ra công bảo vệ, vun tưới cho nó phát triển sum sê, thật là hạnh phúc vô vàn của nhân loại. Vô tình hay cố ý, chúng ta phá hoại cho cây linh dược tàn lụi đi, đây là một mất mát lớn lao của nhân loại, không có gì bù đắp được. 

Chú Ba nhà ở gần chùa, chú nuôi một con gà mái, đẻ được một đàn gà con. Ðàn gà con mỗi con đều tròn trịa dễ thương. Sáng nào chú cũng hốt một nắm gạo ra đứng trước sân kêu "túc, túc", gà mẹ dẫn đàn gà con chạy ùa ra vây quanh chú, mổ những hạt gạo do chủ rải, chúng nuốt ngon lành. Chú nhìn đàn gà con có vẻ trìu mến. Có lẽ đàn gà con cũng nhìn chú là ông chủ quí kính đang yêu thương nuôi dưỡng chúng. Tình của chú Ba và đàn gà con càng ngày càng sâu đậm hơn. Trải mấy tháng sau, đàn gà con đã lớn thành gà giò (gà vừa ăn thịt). Hôm nay nhà chú Ba có khách, cũng như mọi hôm, sáng chú nắm gạo ra giữa sân đứng kêu "túc, túc", đàn gà chạy lại bu quanh chú, vừa bỏ gạo chúng ăn chú vừa chụp lấy một con. Con gà bị chụp la hoảng lên, đàn gà còn lại chạy tứ tán. Tiếng la thất thanh của con gà không làm động tâm chú chút nào. Sau đó, nó còn bị cột chân, và cuối cùng lôi ra cắt cổ. Tiếng la cứu mạng và gắng sức vùng vẫy đành đạch để thoát chết của con gà, không làm sao lay chuyển được ý định của chú. Thế là xong một đời của con gà, để làm mồi ngon cho người chủ mến thương trước kia. Tình thương của chú Ba đối với đàn gà con, chỉ có khi chưa cần làm thức ăn ngon miệng. Ðến khi cần thịt gà làm thức ăn, thì tình thương ấy liền biến đi như mây khói!
Ở chùa có nuôi hai con chó, một con tên Tiểu Hỷ, một con tên Tu Tu. Sáng nào hai con cũng vật lộn nhau ành ạch ở trước sân, hai đứa săn đuổi nhau, đè cắn cạp nhau một cách thân tình. Mỗi khi trông thấy hai đứa đùa giỡn nhau, tôi cũng vui lây. Dù là súc sanh, chúng cũng biết vui đùa, cũng biết thân yêu nhau như con người nào khác. Song, khi thằng Tiểu Hỷ được quí Cô cho một tô cơm, đang ăn ngon lành, thằng Tu Tu chạy đến gần, thằng Tiểu Hỷ liền nhe răng hầm hừ, thằng Tu Tu đành lấm lét tránh xa. Ngược lại cũng thế, khi thằng Tu Tu đang ăn, thằng Tiểu Hỷ lại gần, cũng bị thằng Tu Tu nhe răng hầm hừ. Sau bữa ăn chúng cũng vui vẻ chơi lại với nhau. Qua hình ảnh hai con chó, chúng ta thấy khi có món ngon, khi cần no bụng mình, tình đồng loại không còn có mặt. Chúng có thương nhau không? Nếu không thương, tại sao lại liếm nhau một cách trìu mến, vật lộn nhau một cách thân tình. Thế mà chỉ cần có một cục xương, một tô cơm, chúng liền đổi tình bạn trở thành địch thù. Tình người có thế không?
Có một gia đình ở tỉnh xa đến qui y với chúng tôi. Thời gian sau, những đứa con khôn lớn, cha mẹ già yếu. Cha mẹ tương đối khá giả, nên làm di chúc chia của cho con. Trong di chúc không biết phân chia thế nào, vài đứa con chạy lên tìm tôi nhờ khuyên giải hộ cho cha mẹ chúng phân chia công bằng, đừng cho đứa nhiều đứa ít, khiến con cái thấy cha mẹ bất công không tốt. Tôi liền khuyên chúng nó: "Cha mẹ sanh ra con, nuôi dưỡng cho học hành đến lớn khôn, lập gia đình có đôi bạn rồi, công ơn cha mẹ không thể nào kể hết. Giả sử cha mẹ nghèo không có tiền của thì con cái cũng phải làm ra tiền để nuôi dưỡng cha mẹ, mới tròn bổn phận làm con. Huống là cha mẹ khá, con đã khỏi nuôi, lại được chia của cho, dù được bao nhiêu cũng tốt, đòi hỏi thêm làm gì để phiền lòng cha mẹ. Tụi con thấy, có lắm gia đình cha mẹ chết sớm, nhà nghèo, con cái cũng phải bươn chải để sống, vậy mà cũng có nhiều người lập nên sự nghiệp. Sánh với tụi con hiện nay quá tốt, cha mẹ còn sống, lại được chia của, dù ít cũng hơn người ta quá nhiều rồi. Thôi, là con hiếu phải nghe lời cha mẹ, đừng phiền trách tổn phước." Chúng không bằng lòng, thưa với tôi thế này: "Thà là không có gì hết, còn có mà chia đứa nhiều đứa ít là bất công, không chấp nhận được." Tôi đành im lặng. Chúng chào tôi ra về với vẻ còn bực tức. Không bao lâu, cha mẹ chúng đến thăm tôi. Nhân khi thăm hỏi, tôi đem việc chia của cho con ra khuyên: "Làm cha mẹ, hai đạo hữu phải xử sự với con cái cho công bằng. Nếu có của nhiều chia cho chúng nhiều, có ít chia cho chúng ít, đừng để đứa nhiều đứa ít nó phân bì không tốt." Hai vợ chồng thưa với tôi: "Bọn con của chúng con, đứa nào phá của thì chúng con chia ít, đứa nào biết giữ của thì chia nhiều, như vậy mới công bằng." Ðến đây tôi hết ý kiến. Thời gian sau, tôi nghe những đứa con được chia của ít, đã kiện cha mẹ chúng ra tòa. Tôi đành thở dài, cảm thấy mình bất lực, không đủ biện tài để giáo hóa đệ tử, thật đáng buồn! Song càng đau buồn hơn khi thấy con người là khôn ngoan hơn con vật, vậy mà cũng vì sự ăn mặc tài sản, đối với người thân trở thành kẻ thù. Thiết nghĩ ai thân hơn anh em, ai tình thâm nghĩa nặng bằng cha mẹ, mà chỉ vì một chút ít tài sản, biến thân thành thù, đổi ân nghĩa thành đối địch. Thật tình đời càng ngẫm càng đau lòng biết mấy!
Nhân loại trên hành tinh này có thật tình thương nhau không? Nếu quốc gia này với quốc gia khác giao hảo tốt đẹp với nhau, khi quốc gia này bị thiên tai bão lụt, hoặc động đất, quốc gia kia liền gởi lương thực, thuốc men, tiền bạc sang giúp đỡ. Ðến khi nào đó, hai nước va chạm quyền lợi nhau, nếu dùng tài ngoại giao bàn luận mà không giải quyết xong, sẽ dùng đến quân đội vũ khí để sát phạt nhau. Người ta thương nhau chỉ khi nào không đụng chạm đến quyền lợi, một khi đụng chạm đến quyền lợi, sẵn sàng sát phạt nhau. Bởi vậy trên thế gian này thân thù thay đổi khó lường. Tình thương của nhân loại bị giới hạn trong một phạm vi nhất định, quá phạm vi đó tình thương liền tan biến. Cho đến những người nhân danh mang tình thương đến cho nhân loại, song cũng bị hạn chế trong những điều kiện nhất định nào đó, ngoài ra nó có thể biến thành địch thù.
Qua những dữ kiện trên, khiến chúng ta nghi ngờ tình thương con người có thật hay không? Hay nó chỉ có trên ngôn từ, ngoài cửa miệng? Ðây là chỗ bi quan của những nhà đạo đức chân chánh, cũng là tiếng còi báo nguy của những người làm việc từ thiện xã hội.
Với con mắt của Phật giáo, muốn nuôi dưỡng tình thương cho được sinh sôi nẩy nở mãi và vượt ra ngoài phạm vi giới hạn, chúng ta phải dùng con mắt trí tuệ thấy rõ thân phận của con người. Sở dĩ chúng ta khép chặt cửa tình thương là bị tham lam cuồng nộ, si mê thôi thúc che đậy. Một khi con mắt trí tuệ mở sáng rồi thì ba con quỉ ác độc ấy bị yếu thế. Từ đó cánh cửa tình thương chúng ta mới mở rộng thênh thang. Làm sao chúng ta mở sáng mắt trí tuệ? Chúng ta phải nhìn xem, phải xét kỹ đời sống con người sự thật như thế nào! Mạng sống của chúng ta được bao lâu? Trong khoảng thời gian sống của chúng ta có an ổn hoàn toàn không? Những người trước chúng ta và đồng thời với chúng ta có thực sự hạnh phúc không? Chỉ cần quán sát kỹ ba vấn đề này thì con mắt trí tuệ của ta bừng sáng.
Trước nhất chúng ta quán sát mạng mình sống được bao lâu? Thật là không có gì bảo đảm và cố định hết. Chúng ta đang sống ở phút giây này là biết mình đang sống, qua phút giây khác chưa biết mình ra sao. Biết bao cái chết chóc đang chờ chực sẵn bên mình và trong người mình. Bước đi sẩy chân cũng có thể té chết. Lái xe sơ ý cũng có thể đụng chết. Ngồi phi cơ hỏng máy cũng bị rơi chết. Một mạch máu não vỡ cũng chết. Quả tim ngưng đập cũng chết v.v... Bởi thế, Phật bảo "mạng người sống trong hơi thở". Ðã biết mạng sống mình là bất định, là vô thường, không có một tí gì bảo đảm, tại sao chúng ta không thương yêu nhau, đùm bọc nhau trong những giờ phút mà chúng ta còn được sống với nhau? Tham lam thù hận để làm gì, để cho ai, khi mạng sống của mình rất mỏng manh rất tạm bợ? Tại sao chúng ta không xí xóa cho nhau, không hòa thuận với nhau để cho những phút giây sống này được an lành vui vẻ. Chính nhờ thấy rõ mạng sống của mình chợt còn chợt mất mà lòng tham lam thù hận tan biến dần, lòng thương nhân loại cùng chung số phận như mình càng rộng mở.
Thứ đến, chúng ta quán sát xem từ khi mở mắt chào đời đến phút giây chúng ta hiện sống này, toàn khoảng thời gian đó đời sống của chúng ta có hoàn toàn an ổn không? Chắc chắn ai cũng trả lời rằng không. Bao nhiêu năm qua, đời sống của chúng ta đã từng trải lắm nỗi gian truân, bao lần đau khổ. Nào là thân thể bệnh hoạn, nào là gặp cảnh bất như ý, nào là làm ăn thất bại, nào là tình đời đen bạc..., ôi làm sao mà kể cho hết. Ðời sống của chúng ta đã khổ như thế, đời sống của người nào có khác gì? Tại sao chúng ta không thương yêu, không thông cảm, cùng chia sớt nỗi khổ cho nhau, lại ôm thù chuốc hận làm gì? Ðã cùng chung thân phận đau khổ như nhau, chúng ta nên khuyên lơn an ủi để làm vơi cạn đôi phần đau khổ cho nhau. Ðây là hoa tình thương đang chớm nở trong lòng chúng ta.
Cuối cùng chúng ta hãy quán sát những người trước và những người đồng thời với chúng ta có ai hoàn toàn hạnh phúc chăng? Những người trước chúng ta, có những kẻ một thời nổi tiếng hào hoa phong nhã, đến nay chỉ còn thân tàn ma dại; có những người một thuở oanh liệt hào hùng, nhưng hiện nay là kẻ phế nhân; có những người trước kia thừa tiền mứa của, nay chỉ còn là kẻ bần hàn... Ðến những người sống đồng thời với chúng ta, có những bạn thân đã từ giã chúng ta đi về thế giới bên kia; có những người đang bị bán thân nằm trên giường bệnh; có những kẻ làm ăn không đủ sống; có những người thừa của thì con cái lại mất nết hư thân... Những kẻ trước và người đương thời kể cả chúng ta có ai dám bảo rằng "đời tôi hoàn toàn hạnh phúc". Cuộc đời đã không hạnh phúc thì chúng ta say mê nó để làm gì? Tại sao chúng ta không đánh thức nhau, lay tỉnh nhau, đừng để cạm bẫy của cuộc đời lừa. Hạnh phúc của cuộc đời chỉ là cái bóng mờ trước mắt, đuổi bắt chúng chỉ chuốc nhọc nhằn. Vì tranh nhau đuổi bắt hạnh phúc nên con người phải va chạm nhau, nảy sanh oán hờn, thù địch nhau, tạo thành chuỗi khổ đau vô tận. Chúng ta xét kỹ, thấy rõ rồi cố gắng đánh thức, kêu gọi nhau hãy dừng chân, đừng đuổi bắt vô ích. Ðây là tình thương chân thật phát xuất từ đáy lòng của chúng ta.
Qua ba phần quán sát trên khiến chúng ta mở sáng con mắt trí tuệ, từ đây dấy khởi tình thương chân thật. Chính tình thương này mới không bị giới hạn, không có điều kiện hạn chế, và mở rộng thênh thang. Nhờ trí tuệ sáng ngời này, ba thứ độc tham sân si mới chịu lui bước. Song muốn có trí tuệ, chúng ta phải có những giây phút an tĩnh, ngồi lại quán sát tận tường. Chúng ta đừng bị suốt ngày chôn mình trên bàn giấy, trong cơ xưởng, tối lại dán mắt trên màn ảnh Ti-vi, thì trí tuệ chúng ta không có cơ hội phát triển.
Tuy nhiên cội nguồn tình thương chưa hẳn khô cạn, vẫn còn những mạch nước ngầm trong lòng đất nhân loại mà chúng ta ít khi khơi dậy. Chính đây là những tia hy vọng của con người, của những nhà đạo đức chân chính.
Một bà Phật tử thuật chuyện cho tôi nghe: Bà là người đang sống ở đô thị, quê bà ở tỉnh Vĩnh Long cách xa tỉnh khoảng hai chục cây số. Một lần bà về quê, đến tỉnh Vĩnh Long sang xe về quê bà. Một chiếc xe cũ kỹ mà hành khách chật như nêm, xe chạy khỏi tỉnh khoảng năm cây số, có một hành khách đón xe giữa đường. Xe dừng rước khách, bà thấy một cậu thanh niên độ trên hai mươi tuổi, mặc quần cụt, áo sơ mi. Chú lơ xe thúc lên nhanh, cậu thanh niên vội vàng phóng lên xe, chân chạm phải cánh cửa xe, toác da đổ máu. Cậu ta ngồi xuống bên cạnh bà mà vết thương ở bắp chân vẫn tuôn máu. Bà trông thấy liền mở túi xách lục soát tìm được một ít bông gòn, bà xé đưa cậu ta bảo chặm máu và đè cứng chỗ vết thương. Bà lục trong túi được chai thuốc đỏ, mớ bông gòn còn lại bà thấm thuốc đỏ đắp lên vết thương. Thấy máu còn chảy, bà lôi chiếc khăn tay trong túi ra, xé đôi, băng nịt lại thật chặt. Kế còn thừa một ít bông gòn, bà thấm thuốc đỏ lau chung quanh vết thương cho cậu. Cậu thanh niên được bà cụ bảy muơi tuổi săn sóc vết thương một cách nhiệt tình chân thiết, khiến đôi mắt cậu nhìn bà với vẻ ngạc nhiên kính quí. Mọi người trên xe đều hướng mắt nhìn bà với cái nhìn mến phục. Ðến điểm xuống xe, cậu thanh niên bước xuống trước, vết thương ở chân đã khô máu, bà cụ xuống sau. Cậu chờ bà cụ xuống xong, cúi đầu chào bà rồi mới ra đi, đi một đoạn cậu còn nhìn xem bà lão đi về lối nào!
Cũng bà Phật tử trên, bà dẫn một đứa cháu ngoại trai độ mười ba tuổi lên Tu viện Chân Không thăm chúng tôi. Gặp lúc chư Tăng xẻ mít chín, nhằm loại mít ngon nhất vườn chùa để dùng trong nửa giờ nghỉ công tác, thầy Tri khách chia hai bà cháu một phần khiêm nhường dùng lấy thảo. Hai bà cháu dùng độ muời múi mít, còn lại một phần ba, bà bảo cháu: "Bà cháu mình nhường một phần ba này để cho người ăn xin." Thằng bé đang ăn ngon miệng đành phải dừng tay. Bà đi tìm một bao nylon rửa sạch, lột từng múi mít bỏ vào bao nylon, xong xuôi bà cột lại để vào túi xách. Vài giờ sau, hai bà cháu từ giã chúng tôi xuống chợ về thành phố. Xuống chợ, bà đi tìm những người ăn xin tặng mít cho họ xong, bà mới lên xe về. Mấy múi mít thật không có giá trị bao nhiêu, nhưng khi mình đang ăn ngon miệng mà nhớ đến những người ăn xin ở đầu đường xó chợ không được nếm món ăn này, bà liền dừng tay, ngăn cháu để nhường phần cho những người xấu số ấy. Thật là một tấm lòng vàng ngọc, một tình thương tràn trề ở thế gian này ít thấy. Thử nghĩ nếu tất cả chúng ta đều có một tình thương vô hạn như bà thì xã hội đang nghèo khó của chúng ta sẽ giảm khổ đau biết mấy. Còn nhiều người có tấm lòng vàng như bà, hoặc trội hơn, mà chúng tôi chưa biết, có khi đã biết mà lại quên. Mong rằng nhân loại sẽ được nhiều người luôn nhớ đến những kẻ khổ đau, để chia cơm xẻ áo với họ, khiến hành tinh chúng ta sẽ trở thành cõi Cực lạc ở mai sau.
Tình thương vô điều kiện không giới hạn, nhà Phật gọi là tâm từ bi. Tâm từ bi này nhờ động cơ trí tuệ thúc đẩy mới đủ sức đập tan những cánh cửa bản ngã, gia đình, phe nhóm, tôn giáo, quốc gia... mở rộng thênh thang không giới hạn. Người sẵn tâm từ bi thì, khi mình được ăn ngon nhớ đến kẻ đói khát, mình thành công thương người thất bại, mình vui sướng nhớ đến kẻ khổ đau, mình giàu sang nghĩ đến kẻ nghèo khó, mình hơn thương kẻ thua..., do đó mà dứt được tâm ích kỷ ngạo mạn. Nhân loại đang đau khổ lắm rồi, chúng ta không thể dang tay cứu vớt hết được, ít ra chúng ta cũng đừng chồng chất khổ đau thêm, khiến quá sức chịu đựng của con người. Chúng ta hãy kêu gọi nhau thức tỉnh cơn ngủ si mê, đừng chạy theo tham lam cuồng nộ, dừng tay gieo rắc đau khổ lên nhau. Hạnh phúc không bao giờ có nơi con người ích kỷ tham lam. Hạnh phúc không bao giờ có ở con người si mê cuồng nộ. Hạnh phúc chỉ có với người luôn chan rải tình thương. 

Nguồn : Thiền Viện Thường Chiếu

Saturday, 24 July 2010

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 11/11

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 10/11

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 9/11

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 8/11

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 7/11

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 6/11

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 511

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 4/11

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 3/11

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 2/11

Hành Trình Phật Ngọc Hòa Bình Thế Giới Tại Việt Nam 1/11

Lắng nghe tiếng hát sống hằng - Phần 01

Kính thưa quý thầy cô, kính thưa quý bạn!
Khi lên giảng đài này, tôi cảm thấy rất bối rối và xấu hổ khi nhìn thấy phía dưới phần đông đều là những người trong hàng tiền bối, bậc thầy cô của mình. Trước hết xin giải thích tại sao một người mạt học dở ẹc như tôi cũng lên giảng đài nói  chuyện với quý vị? Đây là do ảnh hưởng của một bệnh nhân cho nên tôi thường kể lại câu chuyện của bệnh nhân này và nói lên lý do người này đã giúp cho tôi hiểu được nhiều vấn đề. Chúng ta thường phải trả một giá rất đắt mới có thể hiểu được một câu nói trong Kinh, nhiều khi chỉ một câu Kinh thật đơn giản. Cô này mới có ba mươi mấy tuổi thì bị ung thư ruột già. Khi cô đến bệnh viện cứ khóc hoài không thôi. Lúc đó tôi mới làm bác sĩ tập sự thuộc khoa ung thư, xem bệnh lý mới biết cô đã mổ qua hai lần nhưng ung thư vẫn tái phát trở lại, đúng là vô phương cứu chữa. Cô khóc hoài nên nói không ra tiếng nữa, thật là không biết làm sao, muốn tìm bác sĩ để hỏi rõ bệnh trạng cũng khó. Hôm đó tôi hết ca trực liền đến phòng bệnh để thăm cô và cũng nhân tiện giới thiệu sơ lược một ít Phật pháp cho cô biết. Không ngờ cô nghe xong, xúc động, mở mắt thật to, nói:“ Tại sao bấy lâu nay không có ai nói cho tôi biết về những chuyện này? Tại sao tôi đã sống ba mươi mấy năm đầy phiền não và đến lúc sắp lìa đời tôi mới được nghe Phật pháp?”. Tuy chỉ có mấy câu nói thật ngắn nhưng hình như đã xoi thủng tim tôi. Sau đó cô bật khóc và làm tôi cũng khóc theo, khóc một cách thật bức rức. Lúc bấy giờ Tuyết Công lão ân sư (lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam) còn tại thế và giảng kinh vào ngày thứ tư mỗi tuần. Mỗi ngày khi làm xong việc tôi thường ở lại bệnh viện để nói chuyện và an ủi bệnh nhân, ngoại trừ ngày thứ tư vì phải đi nghe Tuyết Công giảng kinh. Cô thấy mỗi thứ tư tôi đều rất vui chuẩn bị đi nghe giảng nên nói: “Tôi cũng hy vọng có thể đi theo (nghe giảng) nhưng rất tiếc không có cơ hội”. Tôi đáp: “Trong tương lai cô cũng có dịp đi được”. Cuối cùng cô cũng được đi nghe kinh. Lúc đến giảng đường Hoa Nghiêm ở thư viện Từ Quang, tôi thấy cô ngồi ở vài hàng ghế phía trước. Nhưng đến nửa buổi giảng cô vừa ôm bụng vừa khóc và đi về, bệnh tình của cô biến chứng nặng nên cô đau quá không thể tiếp tục nghe kinh. Lúc đó tôi chợt hiểu được một câu trong bài “khai kinh kệ”:

“Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ,
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì,
Nguyện giải Như Lai chơn thật nghĩa”.




giới thiệu lắng nghe tiếng hát sống hằng

Lời giới thiệu
 
   Bác sĩ Quách Huệ Trân là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, bà rất nhiệt thành và tận tâm trong công việc. Lòng từ bi và thuần thành của bà không những đã đem lại sự khích lệ to lớn cho bệnh nhân mà còn cảnh giác cho những người khỏe mạnh, làm cho nhiều người phát tâm học Phật và niệm Phật. Sau đây là bài nói chuyện với các bạn học ở Huệ Trí Phật Học Xã của Đại học Trung Nguyên, nội dung rất phong phú cảm động. Tuy là đang bị bệnh ung thư trầm trọng, bác sĩ Trân vẫn ráng chịu đau và dùng Tín, Nguyện niệm Phật vô cùng kiên cố của mình để lên giảng đài thuyết pháp. Khi tuyên bố bị bệnh bà nói: “Bây giờ vừa đúng lúc để tôi nhất tâm niệm Phật và chuẩn bị vãng sinh”. (Sau lần nói chuyện này bác sĩ Trân từ chức và lên núi xuất gia).

   Trong cuộc sống trầm luân khổ ải này, chúng ta không chịu buông xả và tham luyến tất cả những gì “của mình”; ai cũng đầu tắt mặt tối, bận rộn suốt cuộc đời, đến phút cuối cùng nhìn lại chỉ là một con số không to lớn rồi âu sầu than thở. Thưa quý vị, quý vị muốn cuộc đời của mình như thế nào? Làm sao để vượt qua khỏi sự trói buộc của luân hồi sinh tử? Chúng tôi hy vọng bài này sẽ đem nhiều tư duy và chất liệu có thể giúp quý vị tìm ra phương hướng (về quê hương) của mình!

Cư sĩ: Lý Nghi LinhKính ghi

Tâm từ bi


Tâm từ bi


   Có thầy Tỳ kheo đến khất thực tại một nhà kia và được mời vào nhà ngồi một mình. Chủ nhân tiếp chuyện, tay có đeo chiếc nhẫn đã vô ý đánh rơi. Lúc ấy, có con ngỗng đi ngang nuốt vào bụng. Vị Tỳ kheo nhìn thấy nhưng không nói gì. Lúc sau, người chủ mới biết mất chiếc nhẫn bèn lên tiếng tìm hỏi. Vị Tỳ kheo im lặng không đáp. Người chủ sinh nghi hỏi dồn nhưng vị Tỳ kheo vẫn im lặng. Không thể nén lòng tức giận, người chủ mắng chửi và đánh đập nhưng vị Tỳ kheo vẫn cam chịu không nói một lời gì. Lúc ấy, có người nhà chạy lên thưa với người chủ rằng: “Không biết vì sao con ngỗng của nhà tự nhiên ngã chết ngoài sân kia”. Nghe lời nói xong vị Tỳ kheo mới thong thả trả lời: “Khi nãy tôi thấy con ngỗng nuốt chiếc nhẫn”. Người chủ liền bảo người nhà đem mổ bụng con ngỗng thì tìm được chiếc nhẫn.


   Người chủ hối hận liền thưa với vị Tỳ kheo: “Sao hồi nãy khi con hỏi, thầy lại không nói ngay cho con biết để đến nỗi con sinh nghi, xúc phạm đến danh thể của thầy?”.


   Vị Tỳ kheo đáp: “Tín chủ nghi cũng phải, nhưng nếu ta nói ngay thì con ngỗng sẽ bị tín chủ giết vì lời nói ấy. Việc đó ta không bao giờ dám làm, dẫu có hại đến tánh mạng cũng vậy” .


   Lời bàn:   Qua câu chuyện trên, chúng ta có suy nghĩ gì về lòng từ bi của đạo Phật? Phật dạy chúng ta hãy phát tâm Bồ tát lợi mình, lợi người. Trước hết, phải có tâm từ bi không chỉ đối với con người mà còn với tất cả mọi loài. Tâm từ bi có thể đem đến cho tất cả chúng sinh mọi sự yên ổn, cả tinh thần lẫn vật chất. Nếu có tâm từ bi thì đối với mọi chúng sinh, ta không nỡ hại và chính do tâm từ này, ta sẽ không bao giờ nóng giận. Hơn thế nữa, do từ bi mà ta chỉ thấy đức tính trong sạch của người chứ không bao giờ moi móc lỗi lầm của họ. Tâm từ bi cũng là một phương tiện quý báu nhất giúp chúng ta diệt đi cái nhìn thiên lệch theo thói thường của phàm phu. Nó có tác dụng chuyển hóa rất nhiều quan điểm sống, giúp chúng ta nhận thức toàn diện về cuộc sống, hạnh phúc và khổ đau. Tâm từ bi như là một phương thức nhắc nhở chúng ta hãy thường xuyên chống lại thói ích kỷ và phân biệt dấy khởi trong tâm mình.


   Lại nữa, tình cảm của chúng ta đối với nhiều người khác thường tùy thuộc nhiều vào hoàn cảnh của họ. Đa số người ta khi nhìn thấy kẻ tàn tật đều cảm thông nhưng khi thấy người giàu, học thức hoặc có địa vị cao hơn mình, ta sẽ cảm thấy ganh tỵ và cạnh tranh cùng họ. Lúc ấy, lòng từ bi sẽ ngăn không cho ta nhìn thấy sự giống nhau, khác nhau giữa mình và người khác. Tâm từ bi sẽ giúp chúng ta khởi lên ý niệm rằng ai cũng như ta. Dù may, dù rủi, dù xa, dù gần họ cũng đều mong hạnh phúc và tránh khổ đau. Cũng chính do tâm từ bi mà khiến cho chúng ta có thể thương yêu tất cả mọi chúng sinh, không thể nhẫn tâm làm hại bất cứ một sinh vật nào. Lúc nào, chúng ta cũng muốn san sớt những khổ đau cho người khác và nguyện hành trì không nhàm chán, không bao giờ từ bỏ một việc thiện nào dù là việc nhỏ. Nếu ai thực hiện tâm từ bi được như vậy thì mới là người Phật tử chơn chánh theo như lời Phật dạy. 
http://chuahoangphap.com.vn/

Wednesday, 21 July 2010

Tìm lại chính mình (phần 1) - Sinh Viên Với Phật Pháp

Để xem được, các bạn vui lòng nhấn vào nút Play.

Monday, 19 July 2010

Kinh Người Biết Sống Một Mình

Đừng tìm về quá khứ 
Đừng tưởng tới tương lai
Quá khứ đã không còn
Tương lai thì chưa tới
“Này Quý Thầy, sao gọi là tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tư tưởng ta từng như thế, hành nghiệp ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế. Nghĩ như thế và khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy, thì người ấy đang Tìm về quá khứ”. “Này Quý Thầy, sao gọi là không tìm về quá khứ? Khi một người nghĩ rằng: Trong quá khứ hình thể ta từng như thế, cảm thọ ta từng như thế, tư tưởng ta từng như thế, hành nghiệp ta từng như thế, nhận thức ta từng như thế, Nghĩ như thế và không khởi tâm ràng buộc quyến luyến về những gì thuộc về quá khứ ấy thì người ấy đang Không tìm về quá khứ”.


Wednesday, 14 July 2010

Cảm nhận Khóa Tu Mùa Hè

Văn con viết chưa hay nhưng đó là tất cả tấm lòng con, kính mong quý thầy hãy hoan hỉ, từ bi giúp con gửi những lời này đến với ba mẹ con nơi phương xa với tấm lòng biết ơn vô hạn. A Di Đà Phật! Con xin chân thành cảm ơn quý thầy.
“Tình cha ấm áp như vầng thái dương,
Ngọt ngào như dòng nước trôi đầu nguồn…”


Khi những tiếng hát của sư Tâm Trường cất lên đã có những dòng lệ nóng ấm chảy tràn trên má, những giọt nước mắt như thấm sâu vào tận trong tim đánh thức tâm hồn lầm lỗi của một đứa con bất hiếu.


Bài hát ấy con đã nghe không biết bao nhiêu lần nhưng chưa bao giờ con thấy xúc động, nghẹn ngào khi ngồi nơi giảng đường chùa Hoằng Pháp. Được lắng nghe những lời thuyết pháp chân thành của Đại đức Thích Trí Chơn, lòng chợt bồi hồi thức tỉnh, chợt nhận ra những điều thầy giảng sao giản dị mà  thâm sâu. Vậy mà trước nay con không hề nhận ra. Sâu thẳm trong tâm hồn con thấy mình thật có tội, tội lớn lắm. Con chợt nghĩ đến những tháng ngày con ở gần bên ba mẹ mà con lại có những cư xử vô lễ, bất hiếu làm ba mẹ buồn lòng.


Không sinh ra trong gia đình khá giả, nhưng con biết con đã có một hạnh phúc lớn lao bởi con còn có ba có mẹ, là bóng cả cho con nương tựa, yêu thương, che chở, dạy bảo con. Con đã được nghe câu chuyện về người cha vũ phu đắm chìm trong men rượu đánh đập vợ mình nhẫn tâm và cảm thông cho đứa con họ. Con tự thấy mình hạnh phúc vì con không phải sống trong một gia đình như vậy. Nhưng con hận bia rượu vì nó đã cướp đi của con người cha hiền từ, bao dung. Chính bia rượu đã khiến ba trở thành người cha vô tâm làm khổ mẹ, làm khổ gia đình. Cũng chính men rượu ấy đã khiến gia đình con phải bán nhà đi nơi khác sinh sống cho đến nay vẫn chưa có được ngôi nhà của riêng mình. Con luôn mơ đến một ngày mơ ước nhỏ nhoi của con trở thành sự thật, con sẽ có một ngôi nhà thuộc về gia đình mình không phải thuê mướn nữa, ba sẽ bỏ được rượu, và gia đình lại vui vầy hạnh phúc như xưa. Giá như…


So với trước đây thì con biết ba đã giảm nghiện rượu đi nhiều, và mặc dù nghiện rượu nhưng ba không bao giờ đánh mẹ, đánh con. Điều đó đã làm con cảm kích vô hạn, vì con nghĩ trong sâu thẳm trong tâm hồn ba vẫn có tình thương yêu bao la vô bờ dành cho gia đình mình, phải không ba? Đã có lúc con ước rằng một ngày chỉ có ban ngày để ba không đắm chìm trong men rượu. Nhưng lúc đó ba như là một người khác hoàn toàn.


Khóa Tu Mùa Hè ở chùa Hoằng Pháp thật sự đã làm con tỉnh ngộ ra nhiều điều, con đã phạm nhiều sai lầm con tự thấy mình hổ thẹn với ba mẹ. Con muốn một ngày nào đó được về lại bên ba, và nắm lấy bàn tay gầy guộc, xương xẩu của ba rồi nói với ba rằng: Con thương ba lắm! Nhưng vẫn khó bật thành lời! Vậy mà con lại thấy nói với mẹ điều đó là dễ dàng. Phải chăng vẫn chưa có sợi dây đồng cảm giữa con và ba? Con biết ba luôn cảm thấy ray rứt vì đã làm khổ gia đình khiến gia đình sống cực khổ và nhiều lần con thấy ba bỏ rượu, làm lại từ đầu rồi lại bất lực vì không thắng được bản thân mình. Khó lắm đúng không ba? Con hiểu nhưng con mong ba hãy cố gắng lên, con luôn ủng hộ ba. Con không hề muốn có thái độ bất hiếu với ba nhưng chính con cũng không hiểu sao con lại xử sự như vậy. Giờ đây con thật sự thức tỉnh và hối hận. Con thương mẹ lắm, và ba cũng vậy phải không ba? Mẹ đã khóc rất nhiều ba biết không? Những đêm giật mình tỉnh giấc con vẫn thấy bóng mẹ ngồi đó lặng lẽ với nỗi buồn riêng khi không lo được đầy đủ cho anh em con. Nhưng mẹ ơi! Mẹ đã sinh con ra, bươn chải nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài đã là quá sức mẹ rồi, bấy nhiêu ân tình ba mẹ dành cho con cao tựa Thái Sơn, rộng như biển cả, con biết làm sao đền đáp khi giờ đây con chưa thể phụng dưỡng song thân. Ba ơi ba có thấu chăng? Hãy làm lại từ đầu đi ba ơi, tất cả vẫn chưa muộn đâu, bên ba lúc nào cũng có chúng con và mẹ luôn ủng hộ ba. Dù thế nào thì ba vẫn là một người ba hiền từ, bao dung và trách nhiệm trong lòng con. Con muốn nói những lời này đến ba mẹ từ rất lâu rồi nhưng thật khó thành lời, con thầm cám ơn quý thầy ở khóa tu mùa hè chùa Hoằng Pháp đã tạo cơ hội để con nói ra những lời tận đáy lòng mình. A Di Đà Phật! Con đã và đang trải qua những khó khăn, thử thách của đời sống sinh viên gian khổ. Đã có lúc con thấy bất lực, nản lòng nhưng ba mẹ chính là nguồn động viến lớn nhất để con vững bước trên đường đời. Một lời cảm ơn không bao giờ là đủ. Con đã lớn, đã thực sự bước vào đời, ba mẹ hãy yên tâm vì con sẽ cố gắng giữ cho tâm mình trong sạch và tinh tấn tận sức mình theo lời Phật dạy. Con sẽ sống sao cho xứng đáng với công ơn to lớn của ba mẹ và tất cả những người thân yêu con, đặt niềm tin nơi con. Công ơn trời biển ấy biết khi nào con mới báo đáp hết?


Ba ơi! Con biết ba sẽ không hôn trán con mỗi khi con bệnh, không dịu dàng ấm áp và gần gũi như mẹ nhưng giống như thầy đã nói. Tình cha chua chát như chanh mặn như muối nhưng đó lại là hành trang vững chắc cho con vào đời. Ba mẹ biết không? Con thấy thật sự không uổng phí và con đã có một quyết định đúng đắn khi con đã tạm gác công việc học hành, làm thêm để đến chùa Hoằng Pháp tham dự khoa tu mùa hè với những ước mong nguyện cầu cho ba mẹ và những người thân yêu của con được mạnh khỏe và an vui. Con thầm gửi đến quý thầy tấm lòng tri ân sâu sắc đã tạo cơ hội này cho con tìm lại chính mình trong ánh sáng quang minh của Phật pháp.
 “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ,
gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha,
nước biển mênh mông không đong đầy tình mẹ,
mây trời lồng lộng không phủ kín công cha”.
Câu nói đó con sẽ luôn khắc cốt ghi tâm. Con biết ba mẹ sẽ từ bi tha thứ cho đứa con bất hiếu này, ở đời chẳng ai cho không ai cái gì bao giờ duy chỉ có ba mẹ là hy sinh cả cuộc đời mà chẳng nề hà.


“Con dẫu lớn vẫn là con của mẹ
Đi hết cuộc đời mẹ vẫn theo con”


Dù có đi đến đâu đi chăng nữa thì ba mẹ cũng là bóng cả che chở con, là quê hương cho con quay về nương tấm lòng con trẻ không thể chỉ gói gọn trong mấy trang giấy này nhưng con mong ba mẹ hiểu lòng con. Xin dâng lên ba mẹ tất cả tấm lòng con trong ngày lễ Vu Lan sắp đến. Cầu mong ba mẹ luôn mạnh khỏe an vui và sống đời với con. Sẽ vẫn nhớ mãi lời dạy ba mẹ yêu dấu, vì con yêu mẹ cha nhất trên đời.


Văn con viết chưa hay nhưng đó là tất cả tấm lòng con, kính mong quý thầy hãy hoan hỉ, từ bi giúp con gửi những lời này đến với ba mẹ con nơi phương xa với tấm lòng biết ơn vô hạn. A Di Đà Phật! Con xin chân thành cảm ơn quý thầy.
Lê Thị Cẩm Tú - SV. Trường Đại Học Công Nghiệp Tp.HCM
Chúng:  Độ Lượng - Khóa Tu Mùa Hè 2010 lần 6 đợt 2
Địa chỉ:  KP II, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang

Sunday, 11 July 2010

Niệm Phật Khi Khẩn Cấp

HT Tuyên Hóa Khai Thị : 
Hôm nay tôi xin truyền cho quý vị một bí quyết. Đó là bí quyết để áp dụng trong giờ phút thật khẩn cấp. Gặp những trường hợp đó chúng ta phải giữ bình tĩnh, đừng hốt hoảng, chuyện sống chết hãy tạm gác qua bên, một lòng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát thì chắc chắn sự hiểm nguy sẽ hóa thành tốt lành, thoát khỏi ách nạn.
Trong giây phút khẩn trương, chúng ta hãy nghĩ rằng: “Đằng nào cũng chết, vậy trước khi chết ta hãy dốc lòng niệm Ngài Quán Thế Âm Bồ Tát, biết đâu đó là niềm hi vọng.” Hành động như thế, tức là từ hiểm nguy mà gặp may mắn.
Như đi máy bay, gặp lúc trên không máy bay gặp nạn, sắp bị rớt. Ngay lúc đó chúng ta hãy niệm Quán Thế Âm Bồ Tát. Vì rằng Ngài Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát chuyên cứu  khổ cứu nạn, một vị Bồ Tát có cầu có ứng, nếu chẳng niệm danh hiệu Ngài, thì sanh mạng của chúng ta vô cùng nguy ngập, không còn hi vọng gì nữa. Lúc đó chúng ta đem hết lòng thành niệm, cảm ứng tới Đức từ bi của Ngài, thì toàn thể sanh mạng trên máy bay được cứu vớt. Vào thất Quán Âm chúng ta cũng phải khởi lên những ý tưởng như vậy để hạ công phu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát.
Chúng ta lại tưởng tượng khi đi xe lửa, và giả thử ngay khi biết xe lửa trật đường rầy, tức là trong khoảng thời gian đường tơ kẻ tóc đó, nếu chúng ta không niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, toàn thể hành khách trên chuyến xe đó đều gặp nạn tử vong. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát có nghĩa là phát ra lời kêu cứu, Bồ Tát nghe được tiếng kêu thì dầu có cách xa cả vạn ngàn sông núi, Ngài cũng tới ngay, tiếp cứu chúng ta ra khỏi khổ nạn, linh nghiệm vô cùng.
Lại tưởng tượng chúng ta đi tàu trên biển, chẳng may gặp cảnh tàu sắp đắm, cái nguy cơ gửi thân trong bụng cá. Trong phút nguy cấp ta niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, tới phút chót cũng niệm, tới giây chót cũng niệm. Nếu được như vậy, nhất định là hung hóa cát.
Lại giả thử ta ngồi trên xe hơi đang chạy nhanh trên đường, hốt nhiên xe không thể làm chủ được nữa, bay qua lề đường bên bờ vực sâu, vách dựng thẳng đứng. Xe hơi mà rớt xuống đáy vực thì là hết đời, xương tan thịt nát. Ngay lúc đó nếu niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, với tất cả lòng thành khẩn, xe hơi sẽ đáp xuống an toàn, kinh hoàng nhưng không nguy hiểm. Đây chính là sự cảm ứng của Pháp niệm Quán Âm.
Trong giờ phút khẩn cấp hiểm nghèo, niệm được một câu Quán Thế Âm Bồ Tát thì bằng cả trăm vạn câu niệm trong lúc bình thường.
Tại sao vậy? Bởi trong lúc không có gì nguy hiểm, lời mình niệm chưa đủ tha thiết, lòng mình chưa đủ thành khẩn. Cho nên niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, ta phải hết lòng kiền thành, hết lòng chân thực, thì cảm ứng đó mới thực là không thể nghĩ bàn.
Vừa rồi tôi có nói với Quả Khiêm rằng: “Ngày nay ở tại Vạn Phật Thành này con có niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì hãy tưởng tượng như khi ở trên thuyền (vượt biên) mà thành tâm khẩn niệm, tất sẽ có cảm ứng. Hồi đó, trong lúc gió lớn sóng to, nguy hiểm vạn phần như vậy, nếu không niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, thì đâu còn có hi vọng ngày nay. Có niệm Quán Âm mới có phần hi vọng, hoặc giả được cứu vớt, cho nên đã hết lòng khẩn niệm thì cuối cùng tai nạn sẽ vượt qua, gió im sóng lặng, đến được bến bờ. Bây giờ con niệm Quán Âm còn để thì giờ để nghĩ ngơi, ấy là vì nay không còn ở trong cảnh ngộ nguy hiểm như trước.” Sự thực thì:
Một ngày qua đi, mạng cũng giảm theo,
Như cá thiếu nước, có gì mà vui !
Đại chúng!
Phải lo tinh tấn, cứu lấy cho mình.
Nghĩ tới vô thường, chớ đừng phóng dật!”
Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, tùy nơi tùy lúc mà niệm, nói một cách khác, đi, đứng, nằm, ngồi, đều niệm được cả. Miệng niệm hay tâm niệm, công đức cũng ngang nhau, đừng khởi tâm phân biệt, lúc nào cũng tùy duyên. Phải nhớ rằng chờ tới lúc mạng chung mới niệm thì đã quá muộn, không còn cơ hội nữa. Vì vậy mới có câu: “Nghĩ tới vô thường, chớ đừng phóng dật.”



Ven. Master Hsuan Hua


Vạn Phật Thánh Thành

Friday, 9 July 2010

Pháp Hội Tiêu Tai Hộ Quốc Quán Âm Đại Bi tại Đài Loan

Thursday, 8 July 2010

Chùm ảnh Khóa Tu Mùa Hè 2010 lần 6 đợt 2

Những hình ảnh cảm động:
 
  
  
  
 
  
  
 
Giờ vui chơi tập thể:
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  
 
 
  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Giờ sinh hoạt
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Giờ tu học:
 
  
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Nguồn chùa Hoằng Pháp - BBT Website