...

Trang Pháp Âm HT Tuyên Hóa


Trang Pháp Âm - Khai Thị - Giảng Kinh của HT Tuyên Hóa , Nhấn vào đây để vào trang chủ

Saturday, 12 June 2010

Biện Pháp Chấm Dứt Chiến Tranh Hay Nhất

(Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại Chùa Hoa Nghiêm, ngày 09 tháng 6 năm 1988.)

Tôi muốn nói qua về cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Sau khi sang Mỹ, tôi có đến nước Việt Nam một lần. Ngay khi máy bay vừa hạ cánh, tôi có nói với những người tới đón tôi rằng: "Người Việt Nam khổ lắm đấy, tương lai sẽ còn khổ sở hơn nữa!"
Những người đến đón tôi thì không cho là như vậy, họ nói: "Tình hình tại Việt Nam hiện nay rất khả quan, rất thái bình. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho chúng tôi biết là sẽ có năm năm thái bình; thời gian năm năm không phải ngắn, chúng tôi còn có thể kiếm thêm được bộn bạc."
Tôi nói: "Chỉ e rằng chưa kiếm được đồng nào thì tánh mạng mình đã không còn!"
Ngày 14 tháng giêng năm 1975, tôi trở về Mỹ Quốc sau chuyến đi hoằng pháp ở các nước Á Châu. Ðến ngày 15 tháng giêng, lúc chiến tranh ở vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam vừa mới bộc phát, tôi đánh điện tín cho một đệ tử đang sống tại Việt Nam (*), nội dung bức điện nói rằng: "Vợ chồng bà hãy lo thu xếp tài sản, sắp đặt mọi việc cho gọn ghẽ, mau sang Mỹ Quốc, không nên lưu lại Việt Nam nữa."
Bà ta dường như không hề lưu tâm gì cả, trời sập cũng không màng, đất lở cũng chẳng lo; nhưng chồng bà nhận được điện báo thì không yên tâm, bèn điện thoại hỏi tôi: "Thưa Thượng Nhân, Thầy muốn chúng con qua Mỹ hẳn có chuyện gì?"
Trong điện thoại không tiện giải thích dông dài nên tôi chỉ nói vắn tắt: "Cũng chẳng có chuyện gì, nhưng ông bà nên sang Mỹ, càng sớm càng tốt!"
Ngày 10 tháng 3, bà ấy đến Mỹ. Thật ra, bà ấy qua Mỹ không phải vì bức điện báo của tôi, mà là vì muốn dự đám cưới của cô con gái vào ngày 12 tháng 3. Chồng bà lúc ấy vẫn còn ở Hương Cảng, mải mê mua chứng khoán. Ðến trung tuần tháng tư, chồng bà điện thoại tìm tôi cả ba ngày và cứ hỏi: "Bây giờ con có thể về Việt Nam lại chưa?"
Lúc bấy giờ tại Việt Nam, Sài Gòn chưa thất thủ, chỉ có chiến tranh sôi động ở vùng cao nguyên; tôi bảo ông ta: "Sau ba tuần lễ nữa, nếu tình hình cho phép, có thể về Việt Nam được thì cứ về; nếu không thể về được thì đừng về!"
Rốt cuộc chỉ hai tuần rưỡi sau, tình hình chiến sự ở Việt Nam đã đổi sắc. Trước đây, trong chuyến đi hoằng pháp ở Việt Nam, lúc vừa xuống phi cơ tôi có nói: "Người Việt Nam khổ quá!" là do nguyên nhân như vậy.
Bây giờ chúng ta hãy cùng nhau nghiên cứu vấn đề nầy: Người Việt Nam lắm người tin theo đạo Phật, thế thì tại sao họ phải chịu cảnh lầm than như vậy? Tôi nghe nói có nhiều người đi lánh nạn bằng thuyền bè, thuyền bị chìm xuống biển, rất nhiều người bị mất tích; nhưng cũng có người biết niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, nên trong lúc sắp chết lại may mắn tìm được đường sống. Việt Nam vốn có nhiều người tin theo đạo Phật, thì tại sao lại gặp phải đại nạn như thế? Bây giờ tôi nói đến điểm then chốt của vấn đề: Người Việt Nam sát khí nặng nề, lòng hiếu sát rất lớn, cho nên tạo thành tai kiếp. Người Việt Nam có lòng căm hận rất lớn—đó chính là tai họa lớn nhất cho họ. Nếu người người đều không có lòng căm hận thù hằn, thì tai nạn gì cũng không thể xảy ra được cả!
Người học Phật thì trước tiên là phải không giữ lòng căm hận, bởi hễ có một chút căm hận là sẽ có đấu tranh. Cổ nhân nói:

Thiên bách niên lai oản lý canh,

Oán thâm tự hải hận nan bình.

Dục tri thế thượng đao binh kiếp,

Thả thính đồ môn dạ bán thanh.

(Trăm ngàn năm nay trong bát canh,
Oán sâu như biển, hận khôn nguôi.
Muốn biết thế gian sao chinh chiến,
Hãy nghe lò thịt lúc nửa đêm!)
Cả trăm ngàn năm nay, trong bát canh thịt trên bàn ăn vẫn chất chứa một mối hận thù hờn oán thâm sâu như biển, khó thể san bằng, khó thể hóa giải. Ðó là ý nghĩa của hai câu đầu; còn hai câu sau, tôi muốn sửa lại như thế nầy:






Dục miễn thế thượng thủy hỏa kiếp,

Nhu yếu nhân nhân bất sát sanh.

(Thế gian muốn khỏi thủy hỏa kiếp,
Người người cần phải cấm sát sanh!)
Bài thơ thành ra:

Thiên bách niên lai oản lý canh,

Oán thâm tự hải hận nan bình.

Dục miễn thế thượng thủy hỏa kiếp,

Nhu yếu nhân nhân bất sát sanh.

(Trăm ngàn năm nay trong bát canh,
Oán sâu như biển, hận khôn nguôi.
Thế gian muốn khỏi thủy hỏa kiếp,
Người người cần phải cấm sát sanh!)
Ngày xưa chiến tranh thì người ta đánh nhau bằng dao, gươm, kiếm, kích, tên, thuẩn (dụng cụ đỡ tên). Nay là thời đại nguyên tử, người ta dùng súng cối, chất nổ, đạn nguyên tử để đánh nhau. Súng cối thuộc hỏa, nguyên tử thuộc thủy, cho nên nói rằng muốn tránh nạn thủy hỏa thì điều tiên quyết là mọi người phải không sát sanh. Chúng sanh không sát sanh thì tai kiếp thủy hỏa sẽ không xảy ra; nếu chúng sanh thích sát sanh thì chiến tranh sẽ vĩnh viễn không bao giờ chấm dứt cả. Bởi người ta ăn nhiều thịt, một người không phải chỉ ăn thịt một con heo mà là rất nhiều con, thời những con heo nầy đến đòi nợ. Quý vị thiếu nợ tiền bạc rất nhiều, thiếu nợ nhân mạng cũng trả không xuể, trả nợ nầy còn nợ kia thời sao, thế là không công bình; bởi không công bình nên mới xảy ra chiến tranh.
Do đó, đối với những người học Phật, điều thiết yếu thứ nhất là không sân hận, và thứ hai là không sát sanh!
Chú thích của Ban Phiên Dịch Việt Ngữ: 
(*) Là bà Phương Quả Ngộ được Hòa Thượng đánh điện bảo phải thu xếp rời khỏi nước Việt Nam vào tháng 1 năm 1975. Nội dung bức điện tín ngày 25 tháng 1, 1975:
Sau khi đến Mỹ bà Phương Quả Ngộ đã hết lòng giúp Hòa Thượng hoằng pháp, xin xem thêm Hoằng Pháp Tại Việt Nam
DSC00054.JPG (249551 bytes)
Hình chụp lúc ký giấy tờ tạo mãi VPTT năm 1976 (bà Phương Quả Ngộ đứng ngoài cùng bên trái).
Bà Phương Quả Ngộ đã từ trần vào ngày 19 tháng 2 năm 1997 tại Singapore. Các con trai cùng cháu nội đã về đầy đủ bên bà lúc bà lâm chung.

Nguon : http://www.dharmasite.net/

No comments:

Post a Comment