Để xem được, các bạn vui lòng nhấn vào nút Play.
Tại Vạn Phật Thánh Thành đã có thành lập trường Tiểu-học Dục Lương, trường Trung-học Bồi Ðức và trường Ðại-học Pháp Giới, tất cả đều miễn học phí. Ðó tức là nghĩa vụ giáo dục của Vạn Phật Thánh Thành. Bây giờ tôi sẽ kể cho các bạn nghe nhân duyên gì mà mình không thâu học phí.
Nhà tôi ở tại miền núi của huyện Song Thành, tỉnh Ðông Bắc. Vì sự giao thông ở đó rất khó khăn, trong thôn không có trường nên trẻ em đa số thất học và người trong thôn phần lớn đều mù chữ. Mùa thu năm tôi mười lăm tuổi, mới theo học trường tư thục, đọc sách Tứ-thư và Ngũ-kinh. Ðến năm mười bảy tuổi, vào mùa đông thì tôi học xong Tứ-thư và Ngũ-kinh. Thầy giáo tôi tùy theo những điều tôi đã học mà giảng giải cho tôi hiểu nghĩa lý trong sách, tổng cộng tôi chỉ học có hai năm rưởi.
Ðến năm mười tám tuổi, không có sách gì để đọc. Lúc ấy tôi ở nhà nghiên cứu sách y học, đại khái đọc được mười lăm mười sáu cuốn. Nhờ vậy hiểu rõ được đạo lý "vọng vấn thiết văn" (quan sát, hỏi han, chẩn mạch, lắng nghe), tức là bốn cách để khám bệnh, và cũng biết tánh chất "hàn nhiệt ôn bình" (lạnh, nóng, ấm, điều hòa) tức là bốn đặc tính của thuốc. Khi ấy tôi cũng có thể trị bệnh nhưng không muốn khám bệnh cho người ta, vì tôi nghĩ rằng trong một trăm người bệnh nếu có trị lành được chín mươi chín người, còn lại một người không lành hay người ấy chết vì uống sai thuốc hay vì chữa sai bệnh thì cũng mang tội. Bởi vậy tôi không muốn làm nghề thầy thuốc. Hơn nữa từ xưa đến nay tôi không coi trọng tiền bạc và cho đến bây giờ cá tính ấy vẫn không thay đổi.
Cũng tại năm ấy, năm mười tám tuổi, tôi cũng có đọc sách về tướng mạo, sách bốc quái, hay sách về bát-tự, sách về toán mạng v.v.. Ðối với sách thuốc, sách bốc quái, sách tinh tướng, tuy tôi không tinh thông lắm, nhưng cũng hiểu được nghĩa lý của nó. Bất quá tôi không muốn làm nghề đó mà thôi, bởi vì tôi không muốn làm tiền và luôn luôn nghĩ rằng: "Phú quý hoa gian lộ, công danh ngọa thượng sương," tất cả đều vô thường (phú quý như đóa hoa bên đường, công danh như giọt sương trên ngói).
Mùa đông năm ấy, tôi thấy trẻ em trong thôn không có cơ hội để học hành, thật là đáng thương, nên tôi phát tâm thành lập trường miễn phí, không thu học phí gì cả. Lúc bấy giờ có khoảng hơn ba mươi học sinh do tôi một mình đảm nhiệm dạy dỗ. Bởi vì tuổi tác học sinh không đồng đều, sự hiểu biết cũng khác biệt, nên tôi phải tùy theo trình độ của chúng mà dạy. Trường bắt đầu mở cửa từ bảy giờ sáng, đến chiều sáu giờ học sinh mới ra về, trong thời gian đó không có lúc nào nghĩ học cả. Học sinh ra công học tập nên tiến bộ rất mau. Mùa đông trôi qua, khóa học chấm dứt và thành tích của học sinh rất tốt. Chúng hiểu rõ nghĩa và viết được rất nhiều chữ. Ðó là niềm vui mà tôi đã dùng công lao khó nhọc để có được.
Do nhân duyên trên đây mà tại trường Tiểu-học Dục Lương, trường Trung-học Bồi Ðức, và trường Ðại-học Pháp Giới đều miễn học phí. Có người nghi ngờ, hỏi rằng phải chăng như vậy là quá ngu si? Phải chăng tôi không biết giá trị của đồng tiền. Ðúng là ngu si cực điểm, tôi chấp nhận lời bình luận như vậy. Song tôi lại nghĩ rằng giáo dục để đào tạo nhân tài là niềm hạnh phúc lớn nhất trong đời.
Bây giờ nói đến trường Tiểu-học Dục Lương: tông chỉ là dạy dỗ học sinh để thành bậc nhân tài ưu tú, giáo dục chúng trở thành người công dân lương thiện, và thành những con em hiếu thảo, cho nên gọi là Dục Lương.
Về trường Trung-học Bồi Ðức, bởi vì tánh đức của con người có đầy đủ, tròn vẹn, cho nên phải bồi đắp đức hạnh, đề xướng việc tu phước tu huệ. Trường Tiểu-học Dục Lương thì chú trọng đến đạo hiếu: Bách thiện hiếu vi tiên, trong một trăm điều thiện thì đạo hiếu là hàng đầu. Trường Trung-học Bồi-Ðức thì chú trọng đến trung và hiếu: trung với quốc gia, hiếu thảo với cha mẹ.
Muốn làm người công dân lương thiện, biết thương yêu tổ quốc thì cần phải có nhân cách mới có thể chịu mọi thử thách, không bó tay đầu hàng trước hoàn cảnh. Cho nên có câu: "Gia bần xuất hiếu tử, loạn thế xuất trung thần," nhà nghèo thì mới nhận ra con hiếu, nước loạn thì mới xuất hiện bậc tôi trung. Ðó là vì do trải qua thử thách khảo nghiệm cho nên mới thành những con người như vậy. Những kẻ có nhân cách cao thượng, những kẻ có chí nguyện vĩ đại, những kẻ có lòng kiên nhẫn không gì lay chuyển, những kẻ có tài năng làm nên sự nghiệp lớn lao: đó là mục tiêu đào tạo của trường Trung-học Bồi Ðức.
Nói về trường Ðại-học Pháp Giới, sau khi học sinh ở trường Bồi Ðức đã trau giồi đức hạnh của mình cho được tròn đầy viên mãn, thì có thể lên học trường Ðại-học Pháp Giới, để thành bậc nhân tài xuất chúng. Hy vọng các em nam cũng như nữ sẽ trở nên xuất sắc vượt bực hơn lớp người đi trước, tương lai có thể thành kẻ anh dũng đầu đội trời chân đạp đất. Các bạn hãy có tư tưởng vị tha, người khác chìm cũng như mình chìm, người khác đói cũng như mình đói vậy. Phải có tinh thần bao la cùng khắp cả hư không pháp giới, không có gì biến cải được chí nguyện của mình.
Hiện tại đa số những học đường bất luận trường công hay trường tư đều chú tâm làm sao làm tiền học sinh, làm sao học phí mỗi năm mỗi tăng, khiến cho người không có đủ tiền chỉ nhìn mà than thở. Vạn Phật Thánh Thành vì muốn giải quyết vấn đề đó cho nên không thâu học phí, chỉ lấy việc giáo dục anh tài trong thiên hạ làm tông chỉ. Tôi hy vọng rằng học sinh tại Vạn Phật Thánh Thành ý thức được dụng tâm chịu gian khổ của Vạn Phật Thánh Thành, đã hy sinh kinh phí để giáo dục các em trở thành rường cột của quốc gia, những nhân tài để hoằng Pháp. Các em đừng nên cô phụ sự khổ công đào tạo của các giáo sư ở Vạn Phật Thánh Thành, các em phải dụng công học tập. Có câu rằng: "Thư tảo dụng thời phương hận thiểu, sự phi kinh quá bất tri nan," nghĩa là đến lúc dùng sách vở mới ân hận là trí thức mình còn thiếu, việc không trải qua kinh nghiệm thì chưa biết là khó. Bây giờ các em không dụng công học tập, thì tương lai đến lúc cần dùng tới kiến thức của mình, các em sẽ hối hận vô cùng. Ðó là điều tôi cần nói với các em ngày hôm nay.
(Ngày 19 tháng 9 năm 1983)
Nguồn : http://www.dharmasite.net/
Nguồn : http://www.dharmasite.net/
No comments:
Post a Comment